Skip links

Bạn có biết – Năng lực thích nghi.

Thích nghi là một trong những kỹ năng quan trọng và gần như không thể thiếu trong tất cả các vị trí công việc hiện nay. Các nhà tuyển dụng cũng rất quan tâm trong việc thiết lập bộ tiêu chí đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên thông qua kỹ năng này, bao gồm cả sự biến đổi linh hoạt trong môi trường làm việc cũng như mức độ sẵn sàng điều chỉnh để thay đổi của ứng viên ra sao. Cùng Siêu Việt Group tìm hiểu thêm về kỹ năng này nhé!

Thích nghi có vai trò quan trọng như thế nào?

Doanh nghiệp cần phải thay đổi để thích nghi hoàn cảnh mới, công nghệ mới và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Quá trình thay đổi tốn rất nhiều thời gian và chi phí, việc nhà tuyển dụng ưu tiên các ứng viên có khả năng thích nghi tốt giúp họ đơn giản hóa chuyển đổi, tiết kiệm nguồn lực và hoàn thành quá trình chuyển đổi sớm hơn.

Nhân viên có khả năng thích ứng tốt sẽ có một số đặc điểm sau: 

  • Thái độ bình tĩnh trước áp lực và có phương pháp để quản trị áp lực.
  • Không ngại thử các công nghệ mới, phương pháp mới để tối ưu công việc.
  • Tư duy “How” – Giải pháp nào cho các vấn đề đang xảy ra.
  • Chấp nhận các thử thách mới về công việc và con người.
  • Tích cực – vì tích cực luôn giúp chúng ta nhìn về phía trước.

Các câu hỏi thường dùng để đánh giá khả năng thích nghi của Ứng viên.

Khi bắt đầu với vị trí này, bạn nghĩ rằng mình sẽ đối mặt với những thử thách nào? Đâu là cơ hội để bạn phát huy khả năng và thế mạnh của mình?

Hãy đọc kỹ câu hỏi, phân tích và cho chúng tôi biết rằng:

  • Bạn nhìn thấy những cơ hội và thách thức nào cho công việc này?
  • Bạn nghĩ nó có phù hợp với thế mạnh của bạn không?
  • Bạn đã chuẩn bị gì để có thể thích nghi tốt nhất.

Ứng viên thường tự tin với những điều mình đã được làm, việc bạn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, hiểu rõ bản thân và công việc mới, sau đó đưa ra các nhận định, giải pháp là một điểm sáng để nhà tuyển dụng đánh giá bạn có khả năng thích nghi cao.

Ngoài ra, thái độ bình tĩnh cũng giúp bạn tạo ấn tượng tốt với các doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng. Sự “lo ngại” không chỉ làm bạn mất tự tin mà còn là cơ sở để nhà tuyển dụng đánh giá khả năng tính linh hoạt hạn chế.

Bạn đề xuất một phương pháp mới, nhưng đồng nghiệp “không muốn áp dụng vì không quen”,  bạn sẽ làm gì để thuyết phục họ?

Câu hỏi này không hề khó như bạn nghĩ. Chúng tôi hiểu rằng việc thuyết phục người khác là không dễ dàng. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều tình huống oái oăm hơn mà bạn chắc chắn sẽ gặp phải, vậy phương pháp và quy trình xử lý vấn đề của bạn là gì?

Chúng tôi có thể ví dụ cho bạn cách trả lời câu hỏi này. 

  • Bước 1: Bạn cần hiểu lý do tại sao đồng nghiệp lại bài xích phương pháp mới? Biết được nguyên nhân bạn sẽ dễ dàng trình bày quan điểm của mình.
  • Bước 2: Bằng sự hiểu biết về cả hai phương pháp, bạn biết được cái mới sẽ giải quyết được vấn đề gì mà cái cũ chưa làm được, từ đó dễ dàng đưa ra lý luận thuyết phục hơn.
  • Bước 3: Dẫn chứng cụ thể là một “đòn chí mạng” trong thuyết phục. Hãy chứng minh rằng phương pháp của bạn không phải là dự đoán hay nói suông.
  • Bước 4: Thảo luận và lắng nghe, giải đáp những khúc mắc còn sót lại của đồng nghiệp.
  • Bước 5: Triển khai và đánh giá tính hiệu quả của phương pháp, có thể tối ưu thêm trong quá trình thử nghiệm.

Bạn cần bao lâu để tìm hiểu về một công cụ mới và bắt đầu ứng dụng nó vào trong công việc hàng ngày?

Khả năng đáp ứng các công nghệ cũng rất quan trọng trong thời kỳ chuyển đổi số. Công nghệ giúp tổ chức tối ưu hóa quy trình làm việc, tiết kiệm thời gian, thậm chí có thể thay thế con người nếu không biết sử dụng nó. 

Bạn mất bao lâu để hiểu về công nghệ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải mất bao lâu để số hóa thành công. Nếu tốc độ thích nghi của bạn không nhanh, bạn cần phải làm gì để không ảnh hưởng đến quá trình thay đổi của tổ chức.

Nếu bạn được giao một nhiệm vụ mới ngoài khả năng, bạn sẽ xử lý thế nào?

Một tình huống quen thuộc trong quá trình làm việc tại công ty. Vẫn là cách tư duy quen thuộc: “Phương pháp của bạn là gì?”.

Chúng tôi tin rằng, cấp trên đủ năng lực để biết rằng nhiệm vụ này là quá khả năng so với bạn, tuy nhiên trong một vài trường hợp Sếp muốn đánh giá thái độ của bạn cho một số vị trí cao hơn. Giao việc “ngoài khả năng” không đồng nghĩa với sự “chèn ép”, bạn cần có các bước hoạch định cụ thể để trả lời câu hỏi này.

Kể tôi nghe về một tình huống xảy ra mà bạn đã không ngờ tới. Bạn đã làm gì để vượt qua?

Câu hỏi này đánh giá tốc độ “nhảy số” của bạn khi gặp phải sự cố hoặc tình huống không có trong kế hoạch, thậm chí mục “dự trù rủi ro” cũng không hề đề cập. Bạn có thể kể một số tình huống đã xảy ra, gắn với bối cảnh về năng lực và tư duy của bạn tại thời điểm đó, đặc biệt – nếu được làm lại thì bạn sẽ xử lý thế nào?

Phương pháp rèn luyện khả năng thích nghi.

Rèn luyện tư duy “Hoặc thích nghi hoặc bị đào thải”

Tư duy linh hoạt là yếu tố đầu tiên bạn phải trau dồi. Quá trình phát triển không thể thiếu các giai đoạn chuyển đổi, đơn cử như sự chuyển đổi của công nghệ đã thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội, kinh tế, văn hóa con người,… Đối với những thay đổi khó kiểm soát như vậy, hoặc bạn phải “thích nghi” hoặc bạn trở nên “lạc hậu” và bị đào thải. 

Sự thay đổi của xã hội là điều bạn không thể quyết định, nhưng bạn có quyền quyết định sự thay đổi của chính bạn.

Chủ động lắng nghe phản hồi

Bản thân mỗi người luôn khó nhìn nhận quá trình phát triển của chính mình, việc bạn xin góc nhìn từ bạn bè, đồng nghiệp hoặc người Sếp đang dẫn dắt là bàn đạp giúp bạn tiến bộ nhanh hơn, thích nghi nhanh hơn. 

Quá trình xin phản hồi được hiểu như việc bạn chủ động và tự nguyện bước lên hành trình thích nghi của mình mà không phụ thuộc hoàn cảnh, không bị “ép” hay phải vào thế “đã rồi” thì mới nhận thức để chuyển đổi. “Chuyển đổi chủ động” là nền tảng để đón đầu xu thế.

Học hỏi liên tục

Hiển nhiên rằng “thích nghi” là việc bạn phải học thêm cái mới, vận hành kỹ năng mới và sáng tạo nên những điều mới mẻ. Học hỏi liên tục giúp bạn có đủ kiến thức để vượt qua giai đoạn chuyển đổi nhạy cảm, phức tạp, luôn có ý tưởng để giải quyết những vấn đề trước mắt.

Tùy thuộc vào tính chất công việc, bạn có thể lựa chọn những kênh học tập phù hợp với bản thân, ví dụ báo chí, sách, internet, đồng nghiệp, … miễn có thể thu nạp kiến thức để thúc đẩy quá trình thay đổi nhanh chóng hơn, hình thành nguồn động lực mạnh mẽ hơn, tích cực hơn để không bị tụt hậu.

Cởi mở với thất bại – rút kinh nghiệm

Nếu ngại thất bại bạn sẽ mất tự tin để tiếp nhận những điều mới mẻ, bạn sẽ tự giới hạn các trải nghiệm của bản thân và có thể ảnh hưởng sức khỏe tinh thần. Bạn cần hiểu rằng, buồn bã ủ rũ là tâm trạng hết sức bình thường khi chúng ta triển khai một kế hoạch mà thành quả cuối cùng không như mong đợi, điều quan trọng là bạn ủ rũ bao lâu? Buồn bã đến khi nào? Tâm lý đó ảnh hưởng gì đến chặng đường tiếp theo của bạn?

Bất cứ thất bại nào cũng cho chúng ta bài học đắt giá để làm lại, tốt hơn, vượt trội hơn. Kho tàng của bạn là kinh nghiệm, là trải nghiệm để bạn tiến bộ và thích nghi với hoàn cảnh luôn thay đổi.

Siêu Việt Blog – Bạn có biết?

Home
Account
Cart
Search